Thiên Tân Group: “Dấn thân” vì năng lượng sạch

3h:2 (GMT+7) - Thứ năm, 6/06/2019

(Thiên Tân Solar) - Khi các dự án nguồn thủy điện lớn đã được khai thác tối đa, các dự án nhiệt điện than phải đối mặt với áp lực về môi trường…, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời đang là hướng đi mới của Việt Nam. Nhanh nhạy với xu hướng đó, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân (Thiên Tân Group) đã xác định ưu tiên cho năng lượng tái tạo là mũi nhọn phát triển.

Dự án điện mặt trời tại Mộ Đức (Quảng Ngãi)

Từ cái tâm đến tầm nhìn chiến lược

Là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Ngãi nhiều nắng, gió và cát trắng, cuộc sống nhọc nhằn của người dân nơi đây đã in sâu vào tâm trí doanh nhân xứ Quảng – Huỳnh Kim Lập – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thiên Tân Group. Do đó, khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, những dự án thủy điện, Thiên Tân đều nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án xây dựng, tham vấn ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là giảm tối đa diện tích rừng bị mất do làm thủy điện.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Huỳnh Kim Lập cho biết: Chúng tôi đã thực hiện nhiều công trình quy mô lớn, mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho tỉnh Quảng Ngãi mà còn cho nhiều địa phương nơi dự án được đầu tư như: Dự án Điện mặt trời Ninh Thuận, Dự án Thủy điện Đakre (Kom Tum), Thủy điện Hà Nang (Quảng Ngãi)… và hiện tại là Nhà máy Thủy điện Đăk Ra (Ba Tơ – Quảng Ngãi) có vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, công suất 60 MW sẽ phát điện trong năm 2018. Đây có lẽ là dự án thủy điện độc đáo nhất Việt Nam khi thi công không ảnh hưởng đến các hộ dân trong vùng dự án nên người dân không phải di dời nhà ở, cũng như không bị mất đất canh tác và mức độ ảnh hưởng đến rừng dưới mức cho phép của nhà nước tới gần 9,5 lần (theo quy định thì khi chủ dự án đầu tư 1 MW được phép ảnh hưởng đến 10 ha rừng, nhưng tại ĐăkRe, 1 MW chỉ ảnh hưởng đến 0,5 ha rừng).

Từ thủy điện, Thiên Tân Group tiếp tục “dấn thân” vào lĩnh vực năng lượng công nghệ cao (năng lượng mặt trời) khi lĩnh vực này hoàn toàn mới ở Việt Nam, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng hoài nghi bởi cơ chế chính sách của nhà nước cho lĩnh vực này vẫn chưa hoàn thiện và đầy đủ. Tháng 8/2015, Thiên Tân Group đã chính thức khởi công xây dựng Dự án Nhà máy quang điện mặt trời với vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, công suất 19,2 MW tại Mộ Đức (Quảng Ngãi) và 1.000 MW tại Ninh Thuận với mức đầu tư 40.000 tỷ đồng. Dự án sử dụng công nghệ của First Solar (Hoa Kỳ) – được ví là “công nghệ ngoài hành tinh” mà ông Huỳnh Kim Lập mang về trái đất, tuy nhiên ông cũng rất tự tin dự án sẽ được nhận vốn từ Quỹ Chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc và mục tiêu đến năm 2020, sẽ bổ sung để tăng lên 2.000 MW. Dự án là kết quả bước đầu của ông Huỳnh Kim Lập sau 6 năm học tập mô hình tại các nước phát triển như: Thái Lan, châu Âu, Hoa Kỳ…

Niềm vui đến với Thiên Tân Group khi ngày 13/3/2017, doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) để thống nhất nội dung các điều khoản tham chiếu thực hiện nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện mặt trời Ninh Thuận. Ông Huỳnh Kim Lập vui mừng cho biết, chi phí lập dự án khoảng 200.000 USD sẽ được phía USTDA tài trợ.

Lãnh đạo Thiên Tân Group làm việc với USTDA ngày 13/3/2017

Những kiến nghị từ thực tiễn

Ngay từ khi thành lập (năm 2000), Thiên Tân Group đã xác định chú trọng những dự án vừa mang lại lợi ích kinh tế cao vừa bảo vệ môi trường. Do đó, năng lượng tái tạo chính là con đường mà Thiên Tân đã và đang hướng đến. Tuy nhiên, việc đầu tư điện mặt trời nối lưới vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, do vậy các cơ chế, chính sách cho phát triển các dự án điện mặt trời vẫn chưa đồng bộ và đầy đủ. Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo còn thấp do chi phí đầu tư cao hơn so với các nguồn năng lượng truyền thống từ 1,5 -10 lần…

Trước thực tế trên, ông Huỳnh Kim Lập đề xuất, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường này, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư, ưu tiên các dự án năng lượng tái tạo mà không làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân như: Dự án Thủy điện ĐăkRe và các dự án thủy điện nhỏ tương tự khác. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị năng lượng như bình đun nước nóng, thủy điện nhỏ, động cơ gió, năng lượng mặt trời…; hợp tác với các nước phát triển lắp ráp những thiết bị công nghệ cao như: Pin mặt trời, điện gió, tiến tới lắp ráp, chế tạo trong nước; hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra nghiên cứu, chế tạo về các lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo cũng như ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị… Đồng thời cho phép các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng sạch và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Cũng theo ông Lập, thách thức lớn nhất đối với phát triển điện mặt trời tại Việt Nam là biểu giá điện hiện hành chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; suất đầu tư hiện nay còn cao, cùng với đó, nhà đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo mà phải dùng nguồn vốn trong nước, trong khi đa phần các thiết bị đều phải nhập khẩu nên giá thành của một đơn vị sản phẩm cao. Bên cạnh đó, nhà nước cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn, đơn cử như tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ… có như vậy các dự án điện mặt trời mới sớm đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.

Mục tiêu phát triển điện mặt trời đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo là từ mức không đáng kể hiện nay tăng lên công suất 850 MW năm 2020 và 4.000 MW năm 2025. Các nhà đầu tư mong chờ nhà nước sớm có những chính sách cụ thể và cơ chế ưu đãi để mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Theo Báo Công thương | Thiên Tân Land